Du lịch Hà Nội: Sản phẩm du lịch đêm chưa hoàn chỉnh, còn nhiều hạn chế
Báo Lao Động có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang về những hiệu quả mà sản phẩm mới mang lại cho ngành du lịch Thủ đô, đặc biệt là những khó khăn sản phẩm du lịch gắn với kinh tế đêm đã phải đối diện và cần tháo gỡ trong thời gian tới.
Sau hơn 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, du lịch Hà Nội có bước chuyển mình đáng kể khi trở lại, đặc biệt là việc mở cửa đón khách quốc tế. Sức hấp dẫn từ những sản phẩm du lịch nào được Hà Nội tập trung khai thác trong thời gian qua, thưa bà?
- Triển khai Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 26/6/2016 của Thành ủy về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, trong đó đã xác định và chỉ đạo quan điểm cho các sản phẩm du lịch Hà Nội là phát triển du lịch chất lượng cao, theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác.
Vì thế, du lịch Hà Nội xây dựng nhiều kế hoạch để thu hút du khách trong và ngoài nước, đặc biệt chú trọng vào các sản phẩm du lịch một cách đa dạng hóa khi tập trung khai thác 4 không gian phố đi bộ bao gồm Không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Khu phố cổ Hà Nội; “Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ” được tổ chức tại khu vực phố Trịnh Công Sơn, tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây với nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, vui chơi giải trí, và tái hiện nét sinh hoạt của người dân địa phương đã góp phần thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham gia trải nghiệm.
Bên cạnh đó, các điểm tham quan di tích - lịch sử trên địa bàn thành phố cũng bước đầu xây dựng các sản phẩm du lịch ban đêm nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch như Di tích Nhà tù Hỏa Lò với sản phẩm “Đêm thiêng liêng - sáng ngời tinh thần Việt”, “Sống như những đóa hoa” (hoạt động từ 19h00 đến 22h00); Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long với “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long” (hoạt động từ 17h30 đến 21h00 vào mùa Đông và từ 18h00 đến 21h30 vào mùa Hè) với sự tái hiện không gian lịch sử giúp du khách hiểu hơn về lịch sử truyền thống của dân tộc cũng là yếu tố tạo được sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch của Hà Nội nói chung cũng như điểm đến du lịch Thủ đô nói riêng.
Có nhiều đánh giá cho rằng, một số sản phẩm du lịch mới của Hà Nội ra mắt nhưng việc quảng bá lẫn mô hình triển khai chưa được đồng bộ, vì vậy vẫn chưa tiếp cận được nhiều đến với du khách. Vậy định hướng của Sở Du lịch Hà Nội trong việc giới thiệu các sản phẩm mới ra sao?
- Sở Du lịch Hà Nội xác định hoạt động quảng bá, xúc tiến, giới thiệu các sản phẩm du lịch mới đóng một vai trò quan trọng, là khâu đột phá giúp định vị thương hiệu du lịch Thủ đô thu hút mạnh mẽ khách du lịch nội địa và quốc tế. Để công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch mới diễn ra hiệu quả, chất lượng cao hơn trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị điểm đến để xây dựng các chiến dịch quảng bá sản phẩm mới, hấp dẫn trên các chương trình của Đài truyền hình quốc gia (VTV), truyền hình Hà Nội (Hanoi TV) và các kênh truyền hình một số địa phương trọng điểm.
Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch các sản phẩm du lịch trên các nền tảng xã hội (Facebook, Youtube). Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác tuyên truyền quảng bá TP.Hà Nội trên các kênh truyền hình, truyền thông quốc tế lớn như kênh CNN quốc tế. Theo đó, triển khai tổ chức các chương trình, lễ hội, Festival xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn tại khu vực Thủ đô (Không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Phố đi bộ Trịnh Công Sơn…), cũng như tại các khu vực thu hút du khách ở các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế; Tích cực thu hút các đơn vị điểm đến tham gia quảng bá các sản phẩm du lịch tại các hội chợ xúc tiến du lịch quốc tế như JATA (Nhật Bản), Topresa (Pháp) hay các chuỗi sự kiện của WTA Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, phương tiện truyền thống mới trong quảng bá du lịch.
Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai tuyên truyền, quảng bá tại website, các fanpage du lịch trên nền tảng mạng xã hội Facebook, các tư liệu du lịch trên nền tảng Youtube, Tiktok…
Theo bà về lâu dài các sản phẩm du lịch gắn với kinh tế đêm như trên cần cải thiện những hạn chế nào? Có những cơ chế gì cần thay đổi, cởi mở để khuyến khích phát triển hoạt động kinh tế đêm?
- Sản phẩm du lịch tham gia vào lĩnh vực kinh tế đêm còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như dịch vụ còn nghèo nàn, chủ yếu là dịch vụ ăn uống, mua sắm, chưa có sản phẩm đặc sắc, các dịch vụ vui chơi giải trí còn thiếu…, các sản phẩm du lịch đêm chưa hoàn chỉnh. Mặc dù chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy khu vực này nhưng nó đã hiện diện từ lâu, là một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế, xã hội. Các hoạt động “kinh tế ban đêm” đơn thuần bao gồm Ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa buổi tối… thu hút rất đông giới trẻ và du khách tham gia.
Khu vực “kinh tế ban đêm” đã mang lại những giá trị lớn, thúc đẩy đời sống kinh tế, xã hội; góp một phần vào thu hút ngoại tệ. Trước mắt Sở Du lịch Hà Nội tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm ở những khu vực, địa bàn có tiềm năng lớn về phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch. Hình thành các không gian nhằm phục vụ phát triển kinh tế đô thị, kinh tế đêm như Tuyến phố đi bộ khu vực cổng Công viên Thống Nhất và Hồ Thiền Quang (Q. Hai Bà Trưng); Xây dựng phố Văn Miếu và phố Quốc Tử Giám thành phố đi bộ cuối tuần, trở thành không gian văn hóa, với nhiều hoạt động văn hóa, lịch sử liên quan đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Q. Đống Đa); Tuyến phố đi bộ tại Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 - Bitexco (Q. Hoàng Mai); Không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây; “Khu phố Ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã” (Q. Ba Đình); “Khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh” (Q. Ba Đình), lựa chọn thời gian để thí điểm (có thể vào các ngày cuối tuần là thứ 6, thứ 7).
Định hướng phát triển tại các địa bàn có nhu cầu và địa bàn du lịch, không phát triển tràn lan nhằm tránh gây ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư và khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh trật tự. Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, điểm đến đổi mới, cơ cấu lại các sản phẩm du lịch sáng tạo, thu hút khách du lịch nội địa gồm Sản phẩm tour du lịch trải nghiệm đêm “Đêm Thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, sản phẩm du lịch trải nghiệm dân gian, khám phá di sản bằng các giác quan tại Bảo tàng Dân tộc học; sản phẩm tour du lịch “Khám phá kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”... Quy hoạch không gian xây dựng cho hoạt động về đêm (khu vực chợ đêm, khu vực trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống Hà Nội, tổ chức phiên chợ quà tặng lưu niệm thủ công mỹ nghệ Thủ đô...).
Ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý. Các đơn vị chức năng thường xuyên phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm đảm bảo an ninh trật tự đối với các cơ sở kinh doanh về ban đêm. Quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm, bổ sung nhân lực cho các lực lượng chức năng đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động kinh doanh ban đêm về các điều kiện kinh doanh, an ninh trật tự, an toàn giao thông… và không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân sống xung quanh.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/du-lich-ha-noi-san-pham-du-lich-dem-chua-hoan-chinh-con-nhieu-han-che-1110974.ldo
Nhận xét
Đăng nhận xét